Phủ Quốc miền danh thắng nổi tiếng Xứ Đoài gắn với công tích của các bậc hiền nhân anh kiệt thời nào cũng có. Tạo hóa đã ban tặng cho nơi đây cảnh đẹp hùng vĩ, thế núi, thế sông duyên dáng như bức tranh thủy mặc. Hiếm thấy nơi nào giữa vùng đồng bằng lại có hệ thống núi đá vôi nổi lên giữa những cánh đồng lúa bát ngát tựa như những hòn đảo nhấp nhô trên biển cả. Trên những núi này với nhiều hang động đẹp trở thành danh lam thắng cảnh của vùng đất xứ Đoài ngàn năm văn hiến.
Trên địa bàn huyện Quốc Oai có hơn 220 di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, trong đó có 2 di tích Quốc gia đặc biệt là Chùa Thầy và Đình So. Ngoài ra còn có nhiều loại hình văn hóa phi vật thể, tiêu biểu như Lễ hội Hát Dô đền Khánh Xuân, xã Liệp Tuyết; hát ví Hàm Rồng, xã Tuyết Nghĩa; nghệ thuật Tuồng thôn Dương Cốc, xã Đồng Quang; Chiếu Chèo nhạc lễ thôn Tình Lam, xã Đại Thành; nghệ thuật Rối nước xã Sài Sơn... Cùng đa dạng các làng nghề truyền thống, những di tích, danh thắng… Nhiều sản vật nổi tiếng các vùng miền đã đi vào sử sách: Nhãn Đại Thành, Miến So, Cá chép Cấn Xá, Dơi ngựa Sài Sơn, Cua đồng Khánh Hiệp...
Nếu Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Thầy (xã Sài Sơn) gắn với truyền thuyết về thiền sư Từ Đạo Hạnh, thì Di tích Quốc gia đặc biệt Đình So (xã Cộng Hòa) gắn với Huyền tích 300 tráng sĩ Làng So cùng Tam vị hiện thông Nguyên Soái Đại Vương họ Cao đã có công lớn giúp vua Đinh Tiên Hoàng – Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân...Đến những hoạt động của Danh sĩ Bắc Hà Cao Bá Quát trong những năm tháng làm Giáo thụ ở xứ này.
Với bề dày lịch sử văn hiến - anh hùng, nơi giao lưu văn hoá, kinh tế, xã hội trải dài từ thành Phong Châu xưa đến các địa danh dọc theo sông Tích, sông Đà, sông Đáy, Quốc Oai có nhiều di chỉ của người Việt cổ gắn với nền văn minh lúa nước sông Hồng rực rỡ. Trải qua những thăng trầm, những cốt cách văn hóa truyền thống tốt đẹp ấy được hun đúc, kết tinh hòa quyện với thực tại trở thành nền tảng, động lực giúp con người Quốc Oai tự tin vươn lên xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.
Đây chính là nguồn thi hứng dạt dào giúp cho nhiều thi sĩ, nhạc sĩ tiếp nối những thi phẩm của Quang Dũng, những nhạc phẩm của Lê Yên đã có những tác phẩm ấn tượng về con người, cảnh sắc trong nhịp sống đổi mới của miền quê Phủ Quốc trên bước đường thiên lý hôm nay. Trong đó, có nhiều ca khúc, Hương Giang may mắn được mời thể hiện.
Nhớ dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010, từ Hoài niềm về trường xưa lớp cũ đến ước vọng “Cầm Tháp Bút lấy nước Hồ Gươm xanh, viết lên bầu trời xanh khát vọng hoà bình, văn hiến, yêu thương” của Nhà báo Quyết Tuấn, nhạc sĩ Hoàng Hải đã viết nên ca khúc “Đóa Hồng Xanh” được nhiều thế hệ học sinh Trường THPT Cao Bá Quát (Quốc Oai) yêu mến.
Ngay khi ca khúc trên được hoàn thành, Nhạc sĩ An Thuyên đã giới thiệu Hương Giang là người thể hiện ca khúc này. Tuy nhiên, Hương Giang đã giới thiệu ca sĩ Minh Nghĩa, giọng nam cao (Teno) đang được yêu thích tại Trường đại học VHNT Quân đội thể hiện.
Năm 2012, Nhạc sĩ Văn Giang viết ca khúc “Khát Vọng Xuân” kể về cuộc đời truân chuyên của “Chàng trai bên sông Đáy” ôm chí lớn, dẫu không thành vẫn nuôi dưỡng khát vọng và niềm tin chân chính: “Đông sẽ qua và sắc đào lại thắm/Trái tim hồng đầy ắp yêu thương/Chàng trai xưa tâm hồn rộng mở/Trải tâm hồn đi khắp muôn phương”.
Thêm một lần nữa Nhạc sĩ An Thuyên lại động viên cô cháu gái yêu quý của mình thể hiện ca khúc này để kịp thời động viên “Chàng trai bên sông Đáy” đang: “Nghiệp đồ đổ vỡ/Đâu có hề chi/Dù vắng người thân/Đâu những bạn hiền...”. Lần này, Hương Giang giới thiệu NSƯT Quang Minh, giọng nam trung (baritone) của Đoàn Văn công quân khu 2 thể hiện.
Năm 2022, Hương Giang nhận được lời mới hát vỡ ca khúc “Về miền Phủ Quốc” của Nhà báo Khánh Hưng. Lần này, Hương Giang không bỏ lỡ cơ hội hát về Xứ Đoài - Phủ Quốc. Đây là ca khúc mới giới thiệu về Xứ Đoài mây trắng với những danh lam thắng tích và về dày văn hoá đang trên đà đổi mới và phát triển cùng vận hội đất nước, được khắc hoạ qua bức tranh âm nhạc sinh động đã đánh thức miền ký ức của những người con quê hương.
Thật tự hào, Xứ Đoài - Phủ Quốc sau này lại là quê hương của Hương Giang gắn bó với “Chàng trai bên sông Đáy” theo duyên lành của Nhạc sĩ An Thuyên và Nhà báo Đỗ Phượng đã dày công vun bồi từ hơn 20 năm trước!